Hoàn thành tốt sứ mệnh người chiến sĩ trên mặt trận Văn hóa Nghệ thuật

24/12/2021 03:19 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam (10/12/1951 - 10/12/2021)


                                                                                                                 BBT

 

     Lịch sử ngành Mỹ thuật Việt Nam, có bề dày lịch sử rất đáng tự hào. Những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã nhận ra những “bàn tay vàng” ở người dân có năng khiếu hội họa và thủ công mỹ nghệ ở đất nước ta. Do đó họ tổ chức những triển lãm mà lúc bấy giờ gọi là cuộc “đấu xảo”. Từ những kết quả đạt được qua các cuộc triển lãm, chính quyền thuộc địa mở ra một số trường mỹ nghệ.

     - Năm 1901 lập trường mỹ nghệ Thủ Dầu Một với bốn bộ môn: gỗ, điêu khắc, khảm xà cừ, đúc đồng.

      - Năm 1903 lập trường dạy nghề Biên Hoà đào tạo về gốm, sứ và đúc đồng.
     - Năm 1913 lập trường vẽ Gia Định (ngày nay là trường đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh) đào tạo giáo viên và dạy về hình hoạ, chạm khắc, đồ họa…

     Đặc biệt vào năm 1925 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập tại Hà Nội (tiền thân của trường đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay). Trong 20 năm (1925 - 1945) trường đã đào tạo được 18 khoá với 149 sinh viên. Các họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khi cách mạng Tháng Tám thành công đã trở thành những nghệ sĩ chủ chốt cho nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Nhiều người trong số họ đã trở thành những giảng viên ở trường Mỹ thuật Sài Gòn và các trường nghệ thuật ở Campuchia - Lào. Có thể nói, trường Mỹ thuật Đông Dương là chiếc nôi của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, đã học tập nghệ thuật Châu Âu kết hợp với truyền thống dân tộc tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn sự phát triển Mỹ thuật cả nước.

     Giai đoạn 1930 - 1945 là một thời kỳ có nhiều biến động và phân hoá sâu sắc. Đó là một bước phát triển nhanh chóng của hội hoạ Việt Nam. Nó phản ánh thực trạng xã hội trước một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Tháng Tám 1945 và nối tiếp là thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Vào năm 1943, đề cương văn hoá Việt Nam của Đảng ra đời tác động rất lớn đến văn nghệ sĩ và từ đó Hội văn hoá cứu quốc được thành lập. Cách mạng Tháng Tám thành công, Hội Văn hoá cứu quốc tổ chức một cuộc triển lãm tại nhà Khai Trí Tấn Đức ngày 7/10/1945 được Bác Hồ đến dự và phát biểu ý kiến.

     Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, các họa sĩ nói riêng đã trở thành người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá của Đảng phục vụ trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan báo chí, các đoàn văn hóa kháng chiến, đơn vị quân đội, một số khác hoạt động trong vùng địch hậu.

     Ở Việt Bắc có các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…ở khu 3 có các họa sĩ Lê Quốc Lộc, Lương Xuân Nhị, Huỳnh Văn Thuận, Bùi Xuân Phái…ở khu 4 có các họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Sỹ Ngọc…ở khu 5 có Nguyễn Đỗ Cung, Văn Giáo, Dương Hướng Minh…ở Nam bộ có nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, các họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Cao Thương, Trần Văn Lắm, Lê Vinh…cần nói thêm là họa sĩ Nguyễn Cao Thương là người đầu tiên dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay địch ở chiến trường Nam bộ.

     Những người thầy của khóa mỹ thuật kháng chiến như đã góp phần đào tạo lớp họa sĩ trẻ như Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm, Lê Lam, Lưu Công Nhân, Trịnh Phòng, Trịnh Kim Vinh…trong hành trang người lính lên đường vào chiến khu hay ra mặt trận có những mảnh giấy, hộp màu, bút cọ mang theo, những tác phẩm còn mang đậm hơi hướm chiến trường đã trở thành nguồn cổ vũ động viên to lớn, góp phần làm nên cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc được kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

     Nhiều tên tuổi lớn trong ngành Mỹ thuật Việt Nam có nhiều đóng góp cho kháng chiến. Đặc biệt là cuộc triển lãm được khai mạc vào ngày 10/12/1951 tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang có 300 tác phẩm được trưng bày. Tại cuộc triển lãm này, Bác Hồ đã có thư gửi các họa sĩ. Trong thư, Bác viết: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” và ngày 10/12/1951 đã trở thành ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1957, Hội Mỹ thuật Việt Nam được thành lập là một bước ngoặt rất quan trọng của đời sống Mỹ thuật nước nhà.

     Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, đội ngũ những họa sĩ lại tay cầm cọ, tay cầm súng vác ba lô lên đường. Họ đã sống và chiến đấu, sáng tạo ra nhiều tác phẩm cổ vũ cho cuộc kháng chiến một mất một còn của dân tộc. Trải qua một chặng đường dài kháng chiến chống Mỹ xâm lược, một đội ngũ các họa sĩ đã trưởng thành và đóng góp xứng đáng cho cuộc chiến đấu vô cùng oanh liệt của dân tộc. Những tên tuổi các tài năng đã được khẳng định như: Vũ Giáng Hương, Trần Khánh Chương, Trần Đình Thọ, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Quang Thọ, Nguyễn Thụ, Nguyễn Thế Vinh, Cỗ Tấn Long Châu, Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Như Huê, Xu Man, Vi Kiến Minh, Nguyễn Văn Mười, Liễu Thị Phương….

     Ở miền Nam trong suốt quá trình tồn tại dưới chế độ cũ, tuy có những hạn chế lịch sử nhưng hai trường là Trường trung học trang trí Mỹ thuật Gia Định và Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn đã đào tạo được nhiều họa sỹ, nhà điêu khắc tài năng, có nhiều cống hiến to lớn cho nền mỹ thuật nước nhà. Nhiều người đã tham gia Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, góp phần đặt nền tảng cho nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam như họa sĩ: Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Cao Thương, Diệp Minh Châu, Hồ Văn Lái, Hoàng Tuyển, Quách Đống, Nguyễn Hiêm, Trần Văn Lắm, Huỳnh Phương Đông, Hoàng Trầm, Cổ Tấn Long Châu, Nguyễn Văn Kính, Quách Phong, Thái Hà…Còn một số vì hoàn cảnh phải sống trong vùng tạm chiến, dù chuyên sáng tác hay đào tạo, hầu hết vẫn giữ tình cảm với đất nước, với cách mạng, giữ lòng yêu nghề chân chính.

     Ở tỉnh Vĩnh Long, Mỹ thuật thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chưa lớn mạnh nhưng có thể nói, ngành Mỹ thuật cũng đã có mặt khá sớm trên chiến trường. Trong những năm 1940-1945, một số sinh viên đã từng học ở trường Mỹ thuật Đông Dương như: Nguyễn Hải Trừng, Lê Văn Mậu, Trịnh Văn Năm, sau này một số người trở thành những cán bộ của Ban Tuyên huấn tỉnh. Một số họa sĩ khác như Vũ Ba, Huỳnh Công Răng, Lê Minh Huấn cũng có mặt khá sớm trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Một số họa sĩ được đào tạo ở đại học Mỹ thuật Kiev (Liên Xô cũ) về nước đã xung phong vào miền Nam chiến đấu như họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng, nhà điêu khắc Nguyễn Hữu Bình (Thái Bình). Họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng, sinh năm 1936, quê quán An Phước, Mang Thít, đã anh dũng hy sinh ngày 28/12/1969 tại chiến trường thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho nay là tỉnh Tiền Giang và để lại một tài sản vô cùng quí giá đó là 120 tác phẩm hội họa và 72 vật lưu niệm hiện đang được Bảo tàng Vĩnh Long lưu giữ; Họa sĩ Dân Trung Quang thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh đã anh dũng hy sinh trong tư thế người chiến sĩ cầm súng truy kích địch...

     Cũng trong kháng chiến chống Mỹ một số họa sĩ như: Thiện Chí, Nguyễn Tân Dân, Mười Quang, Vũ Ba, Lê Phúc, Trần Minh Thái, Hứa Văn Chiến, Nguyễn Viết Thanh,…là một lớp họa sĩ ít ỏi của tỉnh Vĩnh Long thời kỳ này, các anh đã xung phong vào chiến khu, vừa học tập, vừa cầm cọ, cầm súng chiến đấu, chẳng ngại gian khổ hy sinh, để góp phần vào mặt trận văn hóa nghệ thuật phục vụ cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

    Chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cùng với đoàn quân tiến vào giải phóng Vĩnh Long có các họa sĩ thuộc Ban Tuyên huấn Vĩnh Long vào tiếp quản các cơ sở văn hóa của địch và bắt tay vào công tác ổn định trật xã hội. Vừa tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, phục vụ sự nghiệp cách mạng, xây dựng con người mới, chống các loại văn hóa lai căng đồi trụy, phản động của chế độ cũ để lại, vừa tập hợp, phát triển lực lượng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Đến nay, Phân hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long có 26 hội viên, trong đó có 9 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Kể từ năm 1998 đến nay các anh chị họa sĩ đã tham gia gần 80 cuộc triển lãm, nhiều họa sĩ đạt giải cao tại các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tích cực tham gia triển lãm của tỉnh hoặc triển lãm cá nhân…có thể nói đội ngũ họa sĩ, điêu khắc của Vĩnh Long đã tích cực đóng góp vào đời sống văn hóa nghệ thuật với những tác phẩm hội họa, công trình điêu khắc được xét chọn triển lãm hoặc triển khai xây dựng ở nhiều nơi, không những góp phần tạo nên không gian văn hoá - lịch sử của tỉnh nhà mà còn phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng cho nhiều địa phương khác.

     Hiện nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 một số hoạt động văn hóa nghệ thuật phải dừng lại, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của các họa sĩ, nhưng đội ngũ Mỹ thuật Vĩnh Long với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, lòng đam mê sáng tác đã cho ra đời nhiều tác phẩm tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 26, cũng như tham gia các cuộc thi mỹ thuật trong và ngoài tỉnh tổ chức, đồng thời thực hiện tốt các khuyến cáo về 5k, góp phần đưa các hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa nghệ thuật diễn ra trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.


222222.jpg

Tác phẩm: Viết khẩu hiệu vào cao điểm, ký họa của họa sĩ Vũ Ba


     Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam, chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn những đóng góp của các họa sĩ đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến. Trong danh sách 51 liệt sĩ thuộc các chuyên ngành văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ thì ngành Mỹ thuật có 4 đồng chí là Thiện Chí, Dân Trung Quang, Lâm, Tư Tích. Bên cạnh đó chúng ta rất trân trọng những đóng góp của những họa sĩ, nhà điêu khắc cho sự nghiệp văn học nghệ thuật đã từ trần do tuổi cao, sức yếu như các họa sĩ Vũ Ba, Thái Bình, Lê Phúc, Thế Đệ, Lâm Chiêu Đồng.

     Dưới ánh sáng của các Nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ, từ Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa được tổ chức, văn học nghệ thuật nói chung, giới Mỹ thuật tỉnh Vĩnh Long nói riêng sẽ được tiếp thêm nguồn động lực trong hoạt động sáng tạo, tiếp tục chắc lọc những tinh túy của cuộc sống đưa vào tác phẩm hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, hoàn thành tốt sứ mệnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”, để ngày càng có thêm nhiều tác phẩm giá trị, góp phần làm cho đời sống mỹ thuật tỉnh nhà ngày càng khởi sắc. Trước mắt là tập trung sáng tác những tác phẩm chất lượng tham dự triển lãm mừng Đảng - Mừng xuân Nhâm Dần 2022, hướng đến ngày hội của giới Mỹ thuật cả nước nói chung và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đó là triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 27 năm 2022 do tỉnh Vĩnh Long đăng cai tổ chức. Thông qua triển lãm nhằm tuyển chọn, trưng bày các tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật về nội dung lẫn hình thức thể hiện, đưa mỹ thuật đến với công chúng, khơi dậy và phát huy tiềm năng sáng tạo của giới họa sĩ, hội viên, cộng tác viên, phản ánh những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, những thành tựu của khu vực và đất nước, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922- 2022).

ảnh các họa sĩ chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ảnh TL.jpg
Các họa sĩ chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo

Văn Bản Mới
Video